Thứ Ba, 12 tháng 8, 2008

"Olympic " Trông người lại ngẫm đến ta ..Từ đêm kỳ ảo của Trung Hoa đến nỗi lo ...



- Cuốn cổ thư mở ra và mở ra mãi mãi. Hay có thể gọi đó là sách. Sách mở ra và mở ra mãi mãi. Người Trung Hoa mà đại diện ưu tú của họ là đạo diễn Trương Nghệ Mưu đã gửi tới toàn thế giới một thông điệp. Nội dung bản thông điệp đó là : Sách (văn hóa) là nền tảng duy nhất dẫn đường cho nhân loại.

Cảnh đốt ngọn lửa Olympic Bắc Kinh thật giản dị nhưng thật kỳ vĩ. Một vận động viên cầm ngọn đuốc chạy dưới mặt trời. Vận động viên kia là một con người nhưng đó cũng là toàn bộ nhân loại. Cuốn cổ thư (sách) mở ra và dẫn đường cho nhân loại. Không có văn hóa, con người không tìm được lối đi, không tới được ánh sáng.
Dân tộc Trung Hoa cũng như mọi dân tộc khác trên thế giới đã phải đi qua biết bao thăng trầm của lịch sử. Nhưng cái duy nhất có ý nghĩa còn lại với thế gian này chỉ là văn hóa. Chính vì thế mà Trương Nghệ Mưu thay mặt dân tộc Trung Hoa nói với thế giới về dân tộc mình là nói về nền văn hóa vĩ đại và đặc sắc của họ.

Trên nền tảng là cuốn cổ thư (văn hóa) những điều kỳ vĩ của nhân loại được sinh ra. Chúng ta không tìm thấy ở đó sự hận thù, không tìm thấy ở đó những cuộc chinh chiến, không tìm thấy ở đó máu chảy, không tìm thấy ở đó người thắng kẻ thua… Chúng ta chỉ tìm thấy ở đó sự kỳ vĩ của trí tuệ con người và chủ nghĩa nhân văn cao cả.

Tôi không còn cách nào khác là gọi đêm khai mạc Olympic Bắc kinh là Đêm kỳ ảo Trung Hoa. Với tư duy ấy và với tư tưởng ấy, dân tộc Trung Hoa sẽ làm được những điều trong tương lai mà chúng ta không tưởng tượng hết được. Sau những giây phút kinh ngạc, xúc động và kính phục đối với đêm khai mạc Olympic Bắc Kinh, tôi bắt đầu nghĩ về dân tộc mình với một việc rất cụ thể: lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long sắp tới của chúng ta.
Tôi có cơ sở để tin rằng chúng ta sẽ không làm được một lễ khai mạc cho kỷ niệm 1000 năm Thăng Long đúng với tầm cỡ và ý nghĩa của sự kiện trọng đại này. Chúng ta phải thừa nhận mình còn rất kém cỏi và vụng về. Trong nhiều năm gần đây, chúng ta đã chứng kiến rất nhiều đêm khai mạc các lễ hội diễn ra trong nước và chúng ta thất vọng. Tôi luôn luôn cảm thấy các đạo diễn hay tổng đạo diễn của những đêm khai mạc lễ hội hay đêm khai mạc các sự kiện lớn diễn ra trên đất nước ta rất lúng túng và không biết phải làm gì.
Những đêm khai mạc như thế, chúng ta luôn luôn bị rơi vào một trong hai “bi kịch” chính sau đây:

Một: Biến đêm khai mạc thành một sân khấu hội diễn quần chúng. Chúng ta thường cho diễn viên đóng những Anh hùng dân tộc đi đi lại lại, nói nói cười cười. Chúng ta tưởng như thế là tôn vinh các Anh hùng dân tộc. Nhưng hiệu quả hầu như ngược lại. Rồi xen vào đó là những màn minh họa các thời kỳ xây dựng, lao động và chiến đấu của địa phương đó hoặc là của cả dân tộc. Có những đêm khai mạc như thế còn kèm theo một lời bình dài như không thể kết thúc. Người viết lời bình như sợ tất cả những ai theo dõi không hiểu được cái gì đang diễn ra trước mắt họ nên viết như tường thuật vụ án. Đêm khai mạc Olympic Bắc Kinh hầu như không có một lời bình nào. Nhưng người Trung Hoa đã nói tất cả những gì cần nói về dân tộc họ và về thế giới này một cách giản dị nhưng vô cùng sâu sắc và kỳ vĩ.

Hai: Biến đêm khai mạc thành một cuộc tiểu diễu hành. Những lễ khai mạc như thế làm cho những người thường xuyên phải đi dự sợ đến “bạc tóc”. Cuộc nào cũng giống cuộc nào. Một trong những màn diễn sáo mòn và gây mệt mỏi nhất là màn biểu diễn trống. Nếu chỉ một lần và ở một lúc nào đó thì được. Nhưng lần nào cũng thấy trống. Cứ như Việt Nam là nơi sản sinh ra trống và duy nhất biết đánh trống. Rồi nơi nào thuộc vùng biển thì phải có thuyền có cá, nơi nào vùng núi thì phải có cồng chiêng hay rượu cần. Rồi thì nông dân xuất hiện, công nhân xuất hiện, bộ đội xuất hiện, công an xuất hiện, trí thức xuất hiện, văn nghệ sỹ xuất hiện… nghĩa là có lực lượng nào thì lực lượng đó phải xuất hiện. Chẳng lẽ Trung Quốc hay tất cả những nước khác không có những lực lượng kia và những nghề kia mà chỉ Việt Nam có?

Tôi biết khi chuẩn bị cho SEA Games tổ chức ở Việt Nam, người ta muốn có một slogan cho Ngày hội thể thao lớn nhất khu vực. Một giáo sư Malaysia, người vốn là kiến trúc sư trưởng của lễ khai mạc SEA Games tổ chức ở đất nước này đã đến Việt Nam và được hỏi về nội dung slogan đó đã viết hai chữ tiếng Anh: WE CAN (chúng tôi có thể). Lúc đó, thế giới và đặc biệt là khu vực đang muốn biết Việt Nam có khả năng tổ chức các sự kiện lớn của khu vực hay không. Nhưng người ta đã không chấp nhận hai chữ đó. Cuối cùng họ quyết định một slogan dài dằng dặc với đủ các nội dung mà đến giờ không ai nhớ nổi.

Nếu với tư duy như vậy thì đêm khai mạc Olympic Bắc Kinh sẽ phải diễn ra khoảng 40 giờ mới gọi là tạm đủ. Bởi họ phải cho thế giới thấy Đường Tăng đi Tây Trúc lấy kinh, thấy Tần Thủy Hoàng chống lại hung nô và xây Vạn Lý trường thành, thấy Khổng Tử viết sách, thấy Kinh Kha hành thích Tần Vương, thấy Lý Bạch làm thơ, thấy Triều đại Thịnh Đường, thấy sự kỳ diệu của gốm sứ Trung Hoa, thấy Hoa Đà bốc thuốc, thấy La Quán Trung viết Tam Quốc diễn nghĩa, thấy Lỗ Tấn viết AQ chính truyện, thấy người Trung Quốc chống Nhật, thấy cuộc cách mạng bốn hiện đại hóa, thấy cách mạng văn hóa, thấy việc tiễu trừ bè lũ bốn tên, thấy Mao Trạch Đông cầm trước tác bìa đỏ giơ lên vẫy mọi người, thấy các dân tộc đặc sắc của Trung Quốc múa điệu múa của mình, thấy gấu trúc, thấy việc phóng con tàu vũ trụ, thấy quân đội hùng mạnh và hiện đại…
Chắc chắn Hà Nội sẽ bỏ ra không ít tiền cho lễ khai mạc kỷ niệm 1000 năm Thăng Long. Mà bỏ tiền cho sự kiện ấy là rất xứng đáng. Một trận đấu với độ tuyển Olympic Brazil mà chúng ta còn dám bỏ ra mười tỷ cơ mà. Biết đâu cụ Lý Công Uẩn lại được một diễn viên chèo ăn mặc xanh đỏ bước ra chào mọi người và đọc Chiếu dời đô. Biết đâu những gì thuộc văn hóa và lịch sử của Hà Tây giờ đã thuộc Hà Nội cũng phải được xuất hiện. Thế thì phải có cuộc chiến của Sơn Tinh chống Thủy Tinh. Thế thì phải có cuộc diễu hành của các làng nghề Hà Tây. Thế thì phải có lụa Hà Đông phấp phới bay. Biết đâu chẳng có cảnh các chiến sỹ ôm bom ba càng lao vào xe tăng Pháp. Biết đâu lại chẳng có những đoàn quân tiến về Hà Nội năm 1954. Biết đâu lại chẳng có 12 ngày đêm chiến thắng B52 Mỹ vv…


Tôi nói vậy vì tôi thấy chúng ta đã và đang làm như vậy. Đấy là cách tư duy của chúng ta, một lối tư duy cũ mèm và rất bảo thủ. Sẽ có người nói tại sao tôi lại so sánh Việt Nam với Trung Quốc. Nước họ đông người lắm của thì họ làm được thế. Chúng ta còn ngèo thì “liệu cơm gắp mắm” chứ. Nói vậy là ngụy biện. Việc nào đáng tiêu tiền thì tiêu không tiếc. Nhưng chúng ta đã tiêu quá nhiều tiền cho những việc không đáng và tiêu quá nhiều tiền cho những việc nhạt nhẽo.

Trong bài viết này, tôi không so sánh số tiền đêm khai mạc Olympic Bắc Kinh bỏ ra và không so sánh tầm cỡ của sự kiện đó, tôi chỉ nói về lối tư duy của chúng ta. Tôi chỉ xin lấy một ví dụ nhỏ: chúng ta có rất nhiều thị xã, thế là mỗi một thị xã trở thành thành phố chúng ta lại đổ tiền vào để làm lễ lên thành phố. Tôi không thể nào tìm được cho dù chỉ một lý do để lý giải việc truyền hình trực tiếp lễ ăn mừng thị xã lên thành phố là thiết thực, là ý nghĩa. Và chương trình truyền hình trực tiếp thị xã lên thành phố là chương trình truyền hình nhạt nhất trên thế giới. Để làm tất cả những gì liên quan đến việc thị xã lên thành phố người ta phải bỏ ra không ít tiền. Trong khi đó, ở cái thị xã ấy không có được một khu vui chơi cho trẻ con ra hồn, không có được một cái nhà văn hóa ra hồn…

Hãy rũ bỏ ngay quan niệm dân tộc nào đông người và lắm tiền mới làm được những việc hay và những điều có ý nghĩa. Đâu cứ phải nơi đông người thì văn hóa hơn chốn ít người. Tất cả phụ thuộc vào trí tuệ, óc sáng tạo, tình yêu và lòng tự trọng dân tộc ở trong mỗi con người công dân của dân tộc ấy.

Lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long là một sự kiện trọng đại không chỉ của người Hà Nội mà là của người dân trong cả nước. Không biết những người tổ chức sự kiện trọng đại này đã có một kịch bản kỹ lưỡng cho toàn bộ những ngày kỷ niệm 1000 năm Thăng Long nói chung và đêm khai mạc của lễ kỷ niệm này chưa? Xin ai đó làm kịch bản cho đêm khai mạc đó đừng nghĩ đến màn đánh trống, đừng nghĩ đến việc chọn một diễn viên Chèo hay Tuồng sắm vai Lý Công Uẩn tham gia diễu hành, đừng tái hiện cảnh chiến đấu chống B52, đừng bắt các lực lượng nhân dân thủ đô xuất hiện đầy đủ với lời thuyết minh là một bản thống kê thành tích dài hơn cả chiều dài sông Hồng…

Hãy nghĩ đến nền tảng văn hóa của Thăng Long và hãy để con người Việt Nam bay lên lộng lẫy và huyền ảo với những giấc mơ vĩnh hằng của họ từ mảnh đất thiêng liêng và huyền ảo này. Đêm khai mạc lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long cho dù chúng ta làm ở quy mô hay hình thức nào cũng sẽ cho thấy khả năng tư duy, khả năng sáng tạo và giấc mơ mang tính nhân loại của dân tộc chúng ta.

Tôi là một trong hàng triệu người Việt Nam đợi chờ ngày ấy. Và tôi cũng như hàng triệu người Việt Nam mang một nỗi lo về ngày ấy. Bởi hiện thực của những gì chúng tôi đã chứng kiến trong quá khứ không làm cho chúng tôi tự tin.

Không có nhận xét nào: